Thông tin sáng chế bao gồm những gì, tại sao cần phải tra cứu sáng chế, có thể tra cứu những thông tin này ở đâu?
1. Thông tin Sáng chế bao gồm những gì?
– Thông tin kỹ thuật: là thông tin về các đặc điểm kỹ thuật trong bản mô tả và hình vẽ minh họa sáng chế;
– Thông tin pháp lý: thể hiện trong các điểm yêu cầu bảo hộ, qua đó xác định được phạm vi bảo hộ và tình trạng pháp lý của sáng chế;
– Thông tin sáng chế còn bao gồm: các thông tin về người nộp đơn; tác giả sáng chế; chủ đơn/chủ bằng; số đơn/số bằng; ngày nộp đơn/ngày ưu tiên/ngày cấp bằng/ngày công bố; chỉ số phân loại sáng chế quốc tế…
2. Tại sao cần phải tra cứu Sáng chế?
Thông qua việc tra cứu sáng chế, cá nhân/tổ chức (nhà nghiên cứu, tác giả sáng chế, doanh nghiệp) – gọi chung là người nộp đơn sẽ nhận được những thông tin hữu ích liên quan đến giải pháp kỹ thuật đang nghiên cứu (giải pháp có ý định nộp đơn đăng ký), cụ thể như sau:
– có thể xác định được khả năng bảo hộ của sáng chế;
– xác định được sáng chế có trùng hoặc tương tự với các sáng chế khác đã được bảo hộ trước đó hay không;
– tránh xâm phạm quyền sở hữu công nghiệp đối với sáng chế đã được bảo hộ của chủ thể khác;
– tránh các chi phí không cần thiết cho việc nghiên cứu những giải pháp kỹ thuật trùng lặp (đã có trước đó);
Ngoài ra, đối với các doanh nghiệp việc tra cứu thông tin sáng chế sẽ đem lại nhiều giá trị thiết thực hơn nữa, cụ thể:
– qua tra cứu thông tin sáng chế doanh nghiệp có thể xác định các công nghệ thay thế; nắm bắt các giải pháp có sẵn cho các vấn đề kỹ thuật; tìm kiếm ý tưởng cho việc tiếp tục đổi mới công nghệ;
– tìm kiếm các đối tác kinh doanh;
– theo dõi hoạt động của các đối thủ cạnh tranh hiện thời và tiềm năng trong tương lai;
– tìm kiếm thị trường thích hợp;
– xác định và đánh giá để mua, bán li- xăng và chuyển giao công nghệ;
– lựa chọn các sáng chế đang có hiệu lực để ký kết hợp đông mua bán quyền sử dụng, chuyển giao công nghiệp, bí quyết sản xuất.
3. Có thể tra cứu/tìm kiếm thông tin sáng chế ở đâu?
Hiện nay, đối với việc tra cứu thông tin sáng chế, sẽ được thực hiện trên cơ sở dữ liệu (CSDL) trong nước và các CSDL quốc tế. Trong đó, bao gồm cả CSDL miễn phí và CSDL trả phí.
Việc lựa chọn CSDL tra cứu (trong nước hay quốc tế; miễn phí hay trả phí) sẽ phụ thuộc vào mục đích tra cứu. Nếu ở mức độ tra cứu cơ bản thì có thể sử dụng các CSDL miễn phí có sẵn. Trong trường hợp cần tra cứu chuyên sâu như là cần có cái nhìn toàn cảnh ở mức độ cao về một công nghệ, phục vụ cho việc xác định xu hướng hiện tại cũng như xu hướng phát triển của công nghệ này, các đối thủ cạnh tranh, các tác giả sáng chế nổi bật, các hoạt động nộp đơn đăng ký sáng chế trong lĩnh vực công nghệ này, và các công nghệ liên quan…với yêu cầu này sẽ đòi hỏi CSDL có những tính năng hiện đại hơn, trong trường hợp này sẽ cần dùng đến các CSDL trả phí.
Trong phạm vi của bài viết này, BIGPRO xin giới thiệu tới Quý khách hàng một số CSDL tra cứu thông tin sáng chế miễn phí:
a. Tra cứu thông tin sáng chế trên cơ dữ liệu Wipopulish
– Đây là thư viện số về sở hữu công nghiệp trên nền tảng WIPO Publish: Thư viện số về sở hữu công nghiệp trên nền tảng WIPO Publish được Cục Sở hữu trí tuệ đưa vào hoạt động thử nghiệm từ 20/11/2019. Đây là cơ sở dữ liệu Cục Sở hữu trí tuệ hợp tác với WIPO xây dựng, cơ sở dữ liệu này cung cấp cho người dùng tin thông tin dữ liệu thư mục của các đối tượng sáng chế/giải pháp hữu ích, kiểu dáng công nghiệp, nhãn hiệu. Cơ sở dữ liệu WIPO Publish được Cục Sở hữu trí tuệ cập nhật hàng tháng theo công báo sở hữu công nghiệp.
– Đường link để truy cập vào cơ sở dữ liệu wipopublish:
http://wipopublish.ipvietnam.gov.vn/
b. Tra cứu thông tin sáng chế trên cơ sở dữ liệu ESPACENET
– Espacenet là một dịch vụ trực tuyến miễn phí để tìm kiếm bằng sáng chế và đơn đăng ký bằng sáng chế. Espacenet được phát triển bởi Văn phòng Sáng chế Châu Âu (EPO) cùng với các quốc gia thành viên của Tổ chức Sáng chế Châu Âu.
– Espacenet phù hợp cho người mới bắt đầu và được cập nhật hàng ngày. CSDL này chứa dữ liệu của hơn 130 triệu tài liệu bằng sáng chế từ khắp nơi trên thế giới. Thông tin hỗ trợ có thể giúp chúng ta hiểu liệu bằng sáng chế đã được cấp hay chưa và liệu bằng sáng chế đó có còn hiệu lực hay không.
– Quý khách có thể truy cập vào cơ sở dữ liệu ESPACENET theo đường link sau:
https://worldwide.espacenet.com/
c. Tra cứu thông tin sáng chế trên cơ sỡ dữ liệu PATENTSCOPE
– PATENTSCOPE là dịch vụ tra cứu miễn phí do WIPO cung cấp (ra mắt lần đầu tháng 7/2005), cho phép người dùng truy cập hàng triệu tài liệu sáng chế đăng ký theo Hiệp ước Hợp tác Sáng chế (PCT) ở dạng văn bản với các thông tin đầy đủ như ngày công bố, cũng như các tài liệu sáng chế của các cơ quan sáng chế quốc gia và khu vực từ tất cả các quốc gia tham gia.
– Quý khách có thể truy cập vào cơ sở dữ liệu PATENTSCOPE theo đường link sau:
https://patentscope.wipo.int/
Với các CSDL tra cứu thông tin miễn phí trên đây, hi vọng Quý khách hàng có thể tra cứu/tìm kiếm những thông tin hữu ích. Để tiết kiệm chi phí, người nộp đơn có thể tự tiến hành tra cứu/tìm kiếm thông tin sáng chế trên các cơ sở dữ liệu này. Tuy nhiên, trên thực tế việc tra cứu khá phức tạp, cần sự kết hợp của nhiều kỹ năng cũng kiến thức sâu rộng về các lĩnh vực kỹ thuật, do đó trong trường hợp kết quả tra cứu ban đầu của Quý khách không được như mong muốn, Quý khách có thể tham khảo dịch vụ tra cứu của BIGPRO trước khi quyết định nộp đơn đăng ký sáng chế.
Công ty cổ phần tư vấn BIGPRO!
Để lại bình luận
Địa chỉ email của bạn sẽ không được công bố. Những trường yêu cầu được đánh dấu bởi *